2023-06
01
01 Tháng 06, 2023

Hoàn công là gì? Định nghĩa và quy trình hoàn thiện công trình

Khi xây dựng các công trình, nhà ở, mọi người thường chỉ chú tâm đến thủ tục xin cấp phép xây dựng mà bỏ qua một quy trình mang tính quyết định là thủ tục hoàn công. Đây chính là điều kiện tiên quyết để công trình được phép đưa vào sử dụng và hoạt động thực tế.

Vậy hoàn công là gì và quy trình thực hiện như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết bên dưới!

hoàn công nhà là gì
Hoàn công là gì?

Hoàn công là gì?

Hoàn công là một trong những thủ tục hành chính quan trọng trong ngành xây dựng mà chủ thầu, chủ đầu tư cần phải thực hiện khi công trình xây dựng đã hoàn thành và được nghiệm thu đầy đủ.

Thủ tục này cũng nhằm báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền về những thay đổi cấu trúc và hiện trạng của nhà đất sau khi thi công.

Tại sao cần phải hoàn công?

Hoàn công xây dựng là cơ sở để chủ sở hữu công trình thực hiện các thủ tục pháp lý nhà đất quan trọng, bao gồm:

  • Ghi nhận quyền sở hữu tài sản

Theo quy định của pháp luật, công trình xây dựng và nhà ở của các cá nhân, tổ chức thuộc nhóm tài sản cần đăng ký quyền sở hữu. Trong đó, hoàn công là quy trình bắt buộc nếu muốn ghi nhận quyền sở hữu tài sản này.

  • Cấp sổ hồng

Thủ tục hoàn công thể hiện sự thay đổi của nhà đất sau khi thi công và là điều kiện để được nhà nước cấp sổ hồng.

Có thể thấy một công trình xây dựng hay nhà ở chưa có giấy tờ hoàn công sẽ không được thừa nhận về mặt pháp luật, nên có thể gây khó khăn cho chủ sở hữu trong việc mua bán hoặc bị thu hồi bất cứ lúc nào.

nhà hoàn công là gì
Hoàn công để được cấp sổ hồng

Các trường hợp cần phải hoàn công

Mọi công trình cần giấy phép xây dựng đều phải xin hoàn công theo quy định. Do đó, các công trình nhà ở tại đô thị và các công trình khác không nằm trong diện miễn cấp phép xây dựng đều buộc phải thực hiện thủ tục hoàn công.

Trong đó, các trường hợp không cần xin phép xây dựng được quy định tại Điều 89, khoản 2 Luật xây dựng 2014 như sau:

  • Các công trình xây dựng ở nông thôn nằm trong khu vực chưa có kế hoạch phát triển đô thị hoặc kế hoạch quy hoạch chi tiết chưa được duyệt
  • Nhà ở nông thôn xây dựng riêng lẻ
  • Công trình nhà ở riêng lẻ xây trong khu di tích lịch sử – văn hóa, khu bảo tồn
  • Công trình nhà nước bí mật.

Quy trình thực hiện hoàn công

Từ khái niệm hoàn công là gì, ta có thể thấy quy trình hoàn công không quá phức tạp nhưng vẫn cần đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành.

Thời điểm thực hiện hoàn công là khi nào?

Thủ tục hoàn công cần được thực hiện ngay khi công trình xây dựng hoàn thành và trước khi đưa vào sử dụng chính thức. Nhưng để quy trình diễn ra nhanh chóng, thuận tiện bạn nên chuẩn bị sẵn các giấy tờ cần thiết tại nhà.

Hồ sơ để thực hiện hoàn công

Các giấy tờ cần có để thực hiện hoàn công gồm có:

  • Hợp đồng xây dựng: là thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia xây dựng công trình: chủ đầu tư, đơn vị thi công, thiết kế, giám sát
  • Giấy phép xây dựng: là xác nhận của cơ quan nhà nước cho phép xây dựng công trình
  • Báo cáo kết quả công trình xây dựng
  • Báo cáo kết quả thẩm tra
  • Chứng nhận bản vẽ thiết kế
  • Bản vẽ hoàn công: chuẩn bị khi thiết kế thay đổi so với ban đầu
  • Xác nhận an toàn vận hành thang máy và phòng cháy chữa cháy
  • Báo cáo kết quả thử nghiệm và kiểm định công trình.
hoàn công nhà là
Hồ sơ hoàn công xây dựng nhà ở/ công trình

Ngoài ra, khi xin hoàn công, nếu được cán bộ thụ lý hồ sơ yêu cầu các giấy tờ liên quan khác thì bạn cần bổ sung kịp thời để sớm hoàn thành thủ tục.

Quy trình hoàn công

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ, bạn thực hiện tiếp 3 bước sau:

    • Nộp hồ sơ hoàn công tại cơ quan có thẩm quyền nơi công trình đã được xây dựng: Ủy ban nhân dân cấp xã, thị xã, quận, huyện tại địa phương hoặc sở xây dựng cấp tỉnh.
    • Cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiến hành kiểm tra bộ hồ sơ, xem các giấy tờ, chứng từ liên quan đã đầy đủ và hợp lệ chưa. Bên cạnh đó, cán bộ cũng sẽ đối chứng giấy tờ với hiện trạng thực tế của công trình và yêu cầu bổ sung tài liệu liên quan nếu cần thiết.
  • Cơ quan tiếp nhận hồ sơ ký quyết định hoàn thành thủ tục hoàn công sau khi xem xét hồ sơ rồi thông báo cho người nộp yêu cầu hoàn công.

Chi phí để thực hiện hoàn công

Khi thực hiện hoàn công, chủ sở hữu cần nộp 2 khoản phí, cụ thể là:

  • Lệ phí lập bản vẽ

Chi phí này được quy định bởi đơn vị thực hiện bản vẽ, bạn có thể liên hệ trực tiếp với đơn vị thực hiện để có mức phí chính xác nhất.

  • Lệ phí trước bạ

Phí trước bạ được tính bằng 1% tổng giá trị công trình hoặc nhà ở.

Tuy nhiên, riêng trường hợp nhà ở của các cá nhân và hộ gia đình được tạo lập bằng hình thức phát triển nhà ở riêng lẻ sẽ được miễn lệ phí trước bạ (quy định tại Nghị định 45/2011/NĐ-CP).

Trách nhiệm của các bên trong thủ tục hoàn công là gì?

Thủ tục hoàn công chỉ diễn ra suôn sẻ khi có sự hợp tác của các bên liên quan đến công trình xây dựng. Vậy các trách nhiệm của các bên khi hoàn công là gì?

  • Đơn vị thi công

Đơn vị thi công thực hiện xây dựng công trình từ khi lập bản vẽ, xây móng đến khi công trình hoàn thiện thì phải thu dọn công trường và chuẩn bị các giấy tờ liên quan để bàn giao công trình.

Tuy nhiên, nhiệm vụ quan trọng nhất của đơn vị vẫn là đảm bảo chất lượng công trình và tham gia nghiệm thu hoàn công cùng các bên liên quan.

  • Đơn vị thiết kế công trình

Đơn vị thiết kế cần cũng có mặt khi hoàn công. Nếu công trình có thay đổi so với khi được cấp phép ban đầu thì đơn vị phải chỉnh sửa bản vẽ cho đúng thực tế.

  • Chủ đầu tư

Chủ đầu tư có trách nhiệm đảm bảo chất lượng công trình và hoàn thành mọi yêu cầu đã ký kết trong hợp đồng xây dựng, trong đó cần phải tổ chức nghiệm thu theo quy định.

  • Cơ sở tư vấn, giám sát xây dựng (nếu có)

Đơn vị tư vấn giám sát thực hiện kiểm tra, tư vấn quá trình thi công để đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình nên cũng cần tham gia hoàn công xây dựng.

giấy hoàn công là gì
Chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện hoàn công

Hoàn công sai phép

Hoàn công được xem là sai phép khi vi phạm một trong ba nội dung sau:

  • Vi phạm chỉ giới xây dựng và chỉ giới đường đỏ
  • Cốt nền xây dựng không đảm bảo
  • Vị trí xây dựng bị thay đổi so với khi xin cấp phép

Nếu hoàn công sai phép, chủ đầu tư sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP:

  • Phạt tiền 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ
  • Phạt tiền 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa hoặc công trình xây dựng khác.
  • Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc công trình phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, chủ đầu đầu tư còn phải điều chỉnh hoặc tự phá dỡ những phần công trình không đúng với nội dung đăng ký xây dựng nếu không sẽ bị cưỡng chế phá dỡ.

Kết luận 

Như vậy bài viết đã giải thích cho bạn khái niệm hoàn công là gì và các quy trình cần thiết khi làm thủ tục hoàn công. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp ích cho bạn khi thực hiện các công trình xây dựng và nhà ở của mình!

 

Chia sẻ

Tin liên quan

01 Tháng 06, 2023

Màu sơn phòng khách đẹp: Gợi ý và lựa chọn tuyệt vời cho không gian sống

01 Tháng 06, 2023

Cách chi phí xây nhà đúng, nhanh nhất 2023

01 Tháng 06, 2023

Hoàn công là gì? Định nghĩa và quy trình hoàn thiện công trình

01 Tháng 06, 2023

Tìm hiểu về giấy phép xây dựng và quy trình thủ tục cần biết

Nội dung bài biết